Doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng
Nhu cầu máy và thiết bị trong giai đoạn 2011- 2025 xấp xỉ 250 tỷ USD. Tuy nhiên, năng lực trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu
Doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng
Nhu cầu máy và thiết bị trong giai đoạn 2011- 2025 xấp xỉ 250 tỷ USD. Tuy nhiên, năng lực trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu, dự kiến trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi khoảng 13 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị. Thị trường sản xuất rộng lớn như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tận dụng cơ hội đó để bứt phá.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, có đến 50% các doanh nghiệp thuộc Hội đang thiếu vốn. Không có vốn thì doanh nghiệp không thể đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và trở nên lạc hậu so với khu vực và thế giới.
Trong chiến lược phát triển cơ khí Việt nam đến 2020 và chương trình cơ khí trong điểm, ngành cơ khí được ưu đãi vay vốn nhưng đến nay chỉ có khoảng 8 dự án được vay vốn ưu đãi và lãi vay khá cao.
Không những thế, lãi suất ưu đãi cũng khá cao. Năm 2011, lãi suất hỗ trợ mà Ngân hàng phát triển Việt Nam triển khai là 11,4% thì không một công ty cơ khí nào đủ khả năng tham gia khi họ chỉ có mức lãi suất khoảng 3-5%.
Ông Ngô Văn Trụ – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương cho rằng, đối với các nhà đầu tư cơ khí nếu được vay lãi suất 0% trong 10 năm phải trả nợ cũng không ai muốn làm nữa là lãi suất ưu đãi trên 11%.
Cùng với đó, do chính sách thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng nên phải tìm đến các kênh tín dụng khác có lãi suất cao, đẩy chi phí sản xuất cao hơn, vì thế mà cũng dẫn đến khả năng phá sản lớn hơn.
Luật Đấu thầu “bó chân” doanh nghiệp
Dù các công ty cơ khí trong nước đủ năng lực sản xuất, cung cấp thiết bị cho các dự án nhưng họ vẫn không địch nổi các nhà thầu Trung Quốc, Ấn Độ… Nguyên do là luật Đấu thầu khiến các công ty nội địa phải chịu lép vế.
Luật Đấu thầu được ban hành từ năm 2005 xem ra không còn phù hợp với tình hình thực tế khi cơ chế định giá nặng về giá bỏ thầu rẻ mà bỏ qua những tiêu chí về chất lượng kỹ thuật. Cách quy định giá định giá trong Luật Đấu thầu hiện nay dẫn đến sự hiểu lầm là cứ giá rẻ là trúng thầu, ít để ý tới yếu tố kỹ thuật. Nên khi nhà thầu nước láng giềng bỏ giá thấp, các chủ đầu tư cứ căn cứ vào đó mà cho trúng thầu.
Đặc biệt, theo cơ chế đấu thầu chọn tổng thầu EPC hiện nay, chủ đầu tư sẽ giao cho nhà thầu đảm nhiệm tất cả các khâu: Tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp. Cho nên, ban đầu nhà thầu nước ngoài có giá thầu thấp sẽ thắng nhưng trong quá trình thực hiện, các nhà thầu đưa ra rất nhiều điều khoản thì giá trị hợp đồng tính ra còn cao hơn giá của các nhà thầu trong nước.
Riêng đối với các nhà thầu EPC của Trung Quốc thì gần như Việt Nam nhập khẩu 100%. Tất cả công việc đều do người Trung Quốc đảm nhận, từ những công việc đơn giản nhất như nấu ăn, bảo vệ đến các công việc chuyên môn như công nhân xây dựng, lắp máy, kỹ sư. Thậm chí, những vật tư có sẵn tại thị trường Việt Nam nhưng nhà thầu ngoài vẫn nhập khẩu từ nước họ vào Việt Nam.
Trong khi đó, các công ty cơ khí nội địa cũng có năng lực thực hiện, điển hình như dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Mở thầu lần đầu, nhà thầu Nhật trúng thầu với giá 624 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó vì các nhà thầu nước ngoài kiện tụng lẫn nhau nên kết quả này bị hủy và nhà thầu nội Lilama được chỉ định làm tổng thầu EPC. Hợp đồng giữa Lilama và chủ đầu tư PVN được ký chỉ với 524 triệu USD, giảm tới 100 triệu USD so với thầu ngoại và nhà máy này sau đó còn được trao danh hiệu là dự án nhà máy điện xây dựng nhanh nhất châu Á.